Thủ tục hải quan
Trách nhiệm quản lý Hải quan đối với doanh nghiệp ưu tiên
Ngày đăng: 2/3/2021 11:17:30 AM
Cục trưởng Cục Hải quan trực tiếp hoặc giao 01 Phó Cục trưởng điều phối công tác doanh nghiệp ưu tiên, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp ưu tiên trên địa bản quản lý.

Trách nhiệm quản lý của Cục Hải quan

1. Cục trưởng Cục Hải quan trực tiếp hoặc giao 01 Phó Cục trưởng điều phối công tác doanh nghiệp ưu tiên, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp ưu tiên trên địa bản quản lý.

2. Cục Hải quan có trách nhiệm tra cứu, nắm danh sách doanh nghiệp ưu tiên theo Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trên phần mềm STQ_01, thông báo đến các Chi cục Hải quan bằng văn bản danh sách các doanh nghiệp ưu tiên.

3. Tại trụ sở Cục Hải quan, Chi cục Hải quan trên toàn quốc phải có thông báo đầu mối liên hệ (tên, số điện thoại di động) của cán bộ hải quan chịu trách nhiệm trực tiếp tiếp nhận, thực hiện hoặc là đầu mối tổng hợp xử lý hồ sơ hải quan của doanh nghiệp ưu tiên, bao gồm cả làm thủ tục hải quan, trả hồ sơ thông quan cho doanh nghiệp ưu tiên (dưới đây gọi tắt là cán bộ chuyên trách). Thông báo này được thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục Hải quan (nếu có) và đặt tại vị trí để người khai hải quan dễ quan sát, dễ thấy tại Chi cục Hải quan.

4. Hàng tháng, trong vòng 5 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, Chi cục Hải quan thực hiện thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp ưu tiên báo cáo tình hình doanh nghiệp ưu tiên, khuyến nghị, nghi vấn (nếu có) đối với doanh nghiệp về Chi cục Kiểm tra sau thông quan.

5. Tại Chi cục Kiểm tra sau thông quan: phân công cán bộ chuyên quản hoặc bộ phận chuyên quản (tùy theo số lượng doanh nghiệp ưu tiên thuộc địa bàn quản lý). Cán bộ (hoặc bộ phận) này thực hiện trách nhiệm quản lý doanh nghiệp ưu tiên. Nội dung quản lý gồm:

5.1. Tổng hợp thông tin, dữ liệu từ các Chi cục Hải quan cửa khẩu, phân tích hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp (mã số hàng hóa, số lượng, xuất xứ, chính sách mặt hàng, trị giá, nợ thuế...) để đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoặc phát hiện kịp thời dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế.

5.2. Trường hợp phát hiện sai sót, vi phạm, lập báo cáo và đề xuất biện pháp kiểm tra, xử lý (qua email, fax) về Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan).

5.3. Hàng quý (trong vòng 5 ngày làm việc đầu tiên mỗi quý), Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan) đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, quá trình, kết quả xử lý các vấn đề vướng mắc, sai sót, vi phạm đã xảy ra; tình hình phối hợp của các Chi cục Hải quan khi làm thủ tục cho doanh nghiệp ưu tiên.

6. Phối hợp làm việc với Cục Kiểm tra sau thông quan khi có yêu cầu.

Trách nhiệm của Cục Kiểm tra sau thông quan

1. Cập nhật danh sách các doanh nghiệp ưu tiên vào hệ thống STQ_01.

2. Hàng quý, Cục Kiểm tra sau thông quan thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu của ngành, đầu mối phía doanh nghiệp ưu tiên, các Chi cục Kiểm tra sau thông quan để lập báo cáo đánh giá tình hình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp, các dấu hiệu, đề xuất (nếu có) để có biện pháp quản lý phù hợp.

3. Định kỳ không quá 1 lần trong thời gian 3 năm liên tục, ngoài việc kiểm tra, đối chiếu, đánh giá các thông tin do doanh nghiệp ưu tiên gửi tới và các thông tin thu thập được, trên cơ sở xác định kiểm tra trọng tâm, trọng điểm các nội dung có rủi ro cao, chọn mẫu kiểm tra, Cục Kiểm tra sau thông quan lập kế hoạch làm việc với doanh nghiệp để kiểm tra việc quyết toán, hoàn thuế, không thu thuế, khảo sát thực tế theo chuyên đề tại doanh nghiệp ưu tiên để đánh giá và giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tuân thủ pháp luật.

4. Thực hiện các thủ tục gia hạn chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp theo quy định.

5. Căn cứ thông tin thu thập, dấu hiệu vi phạm do các đơn vị khác chuyển đến, xác minh, đề xuất Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp.

6. Đối với các dự án ưu tiên, sau khi dự án chính thức đi vào hoạt động, thực hiện khảo sát, đánh giá, khuyến nghị đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng điều kiện doanh nghiệp ưu tiên.

Trách nhiệm của các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Hải quan

Trường hợp các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Hải quan phát hiện ra các sai phạm hoặc các dấu hiệu sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp đã được công nhận doanh nghiệp ưu tiên, có trách nhiệm chuyển thông tin để Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì kiểm tra, xử lý.

Tin cùng chuyên mục