Thủ tục hải quan
Hải quan Hướng dẫn khắc phục hậu quả do hoả hoạn
Ngày đăng: 2/3/2021 11:12:03 AM
Căn cứ khoản 5 Điều 107 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 đối với Nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại toàn bộ, không còn giá trị sử dụng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra

Hải quan Hướng dẫn khắc phục hậu quả do hoả hoạn

1- Đối với những thiệt hại về nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu:

- Căn cứ khoản 5 Điều 107 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 đối với Nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại toàn bộ, không còn giá trị sử dụng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra được miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Đã thông quan và được cơ quan chức năng xác định rõ việc thiệt hại có nguyên nhân do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ và tỷ lệ thiệt hại (toàn bộ), không còn giá trị sử dụng;

b) Được cơ quan hải quan kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ liên quan, xác định nguyên liệu, máy móc, thiết bị đã nhập khẩu nhưng thực tế thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.

Trường hợp nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra có thực hiện bảo hiểm và đã được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại bao gồm cả tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng thì không được xử lý miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng.

- Hồ sơ xét miễn thuế thực hiện theo khoản 2 Điều 108 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 gồm:

a) Công văn đề nghị miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng cho nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu theo hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu bị thiệt hại toàn bộ, không còn giá trị sử dụng, trong đó nêu rõ nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, tỷ lệ tổn thất của nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, số tờ khai hải quan, số tiền thuế đề nghị được miễn và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo: 01 bản chính;

b) Biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại địa phương nơi xảy ra vụ cháy; văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi phát sinh thiên tai, tai nạn bất ngờ: nộp 01 bản chính;

Chứng từ trên được lập ngay sau khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

c) Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá nhập khẩu, về tình trạng hàng hóa không còn giá trị sử dụng: 01 bản chụp;

d) Hợp đồng bảo hiểm, Thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có): 01 bản chụp;

đ) Xác nhận của cơ quan bảo hiểm về việc hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế: 01 bản chụp.

Trường hợp không mua bảo hiểm cho lô hàng bị thiệt hại thì người nộp thuế phải có cam kết về việc không mua bảo hiểm tại công văn đề nghị quy định tại điểm a khoản này.

-Thẩm quyền xét miễn thuế: theo quy định tại khoản 3 Điều 110 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, thẩm quyền thuộc Cục hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu thực hiện.

2- Đối với các thiệt hại khác về hồ sơ chứng từ, dữ liệu liên quan đến lĩnh vực hải quan:

Doanh nghiệp liên hệ trực tiếp Chi cục hải quan nơi làm thủ tục để được xem xét, hướng dẫn, giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Tin cùng chuyên mục